SMiC – Đặc biệt, là thời điểm cuối năm vừa qua với một loạt các doanh nghiệp có tên tuổi cùng lúc lên sàn hoặc nhảy sàn từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, “hàng” về nhiều hơn đã phần nào tạo được sự cân bằng giữa cung và cầu của thị trường chứng khoán vốn còn khá “non trẻ”. Chỉ số VN-index đã có lúc đạt mức được coi là kỷ lục với hơn 800 điểm để rồi lại rớt…rồi lại tăng đến “kịch trần” như thời điểm hiện tại và không ai dám chắc liệu còn có tiếp tục tăng trên ngưỡng 1000 điểm, giá của một số mã đã tăng quá “nóng” lên gấp vài chục lần ngay ngày đầu tiên lên sàn đã tạo nên một “cơn sốt” thực sự đối với những người chơi chứng khoán mà phần đông vẫn còn chưa chuyên nghiệp và thường chạy theo đám đông.
Trên thị trường, giá cổ phiếu của một công ty có thể thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng phiên giao dịch nhưng mọi hoạt động của công ty đó vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch và không hề có bất kỳ yếu tố bất thường nào. Sẽ là vô cùng rủi ro khi một người chơi chứng khoán và tham gia vào thị trường thì cũng đồng nghĩa với việc người đó sẽ phải “chiến đấu” với hàng ngàn người chơi cùng một lúc. Nếu đa số người chơi đều chuyên nghiệp và tuân thủ đúng “luật chơi” thì còn có thể áp dụng được một số nguyên lý cơ bản mang tính “nhà nghề” để giảm thiểu những rủi ro. Nhưng thị trường chứng khoán của chúng ta lại giống như cô gái đang tuổi dậy thì, càng lớn càng hấp dẫn và nếu khoảng trên 90% người chơi không thuộc “luật”, số còn lại lại quá sành sỏi thì nào ai biết được điều gì sẽ xảy ra? Một bài toán nan giải đối với các nhà quản lý khi sự chuyên nghiệp và kiến thức của các nhà đầu tư còn đang là một trong những mục tiêu cần sớm có được. Sự tăng trưởng bền vững luôn là điều quan trọng hơn hết đối với bất kỳ thị trường nào.
Chính vì vậy, bằng kinh nghiệm và tinh thần học hỏi, nghiên cứu, Luật sư Trịnh Văn Quyết và Nhà nghiên cứu Đào Mạnh Kháng đã cho ra đời cuốn sách “Triển vọng Thị trường chứng khoán Việt Nam” (tháng 6/2007) nhằm mang đến những kiến thức cơ bản và nâng cao về thị trường chứng khoán Việt Nam cho các nhà đầu tư.
(Theo SMiC)