Câu hỏi 1:
Hiện nay, tình trạng chậm tiến độ hoặc hoàn thành tiến độ nhưng chất lượng chưa đảm bảo diễn ra khá phổ biến tại các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước gây thất thoát, lãng phí rất lớn cho nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời là Chủ tịch một công ty có nhiều năm kinh nghiệm triển khai các dự án bất động sản, xin Luật sư chia sẽ nhìn nhận của mình về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Theo Luật sư, Luật Xây dựng được sửa đổi sắp tới cần phải điều chỉnh theo hướng như thế nào để hạn chế tình trạng này?
Trả lời
- Đúng như bạn nói, tình trạng các Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước chậm tiến độ hoặc hoàn thành tiến độ nhưng chất lượng chưa đảm bảo diễn ra khá phổ biến.
- Theo tôi, tình trạng này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan.
- Theo tôi, chính sách pháp luật là một trong những nguyên nhân chính đó. Pháp luật hiện hành về quản lý, giám sát và triển khai các Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn bất cập.
- Tôi xin nói đến ba bất cập sau đây.
- Một là quy định lập báo cáo đầu tư để xin chủ trương đầu tư.
- Pháp luật về xây dựng hiện hành chỉ quy định dự án quan trọng quốc gia mới phải lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các dự án khác không phải lập Báo cáo đầu tư.
- Điều này dẫn đến việc nhiều dự án không xác định chủ trương đầu tư rõ ràng nên không được xem xét, đánh giá kỹ về sự cần thiết phải đầu tư, dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí.
- Trong khi đó, xác định chủ trương đầu tư rõ ràng là một giai đoạn rất quan trọng. Bởi vì, thông qua đó mới xác định sự cần thiết phải đầu tư và các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng, dự kiến mục tiêu và quy mô đầu tư xây dựng, hình thức đầu tư, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động các nguồn vốn và khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay, tính toán sơ bộ hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án.
- Để hạn chế tình trạng này, theo tôi, trong Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi tới đây, cần phải quy định tất cả các Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (từ cấp quốc gia cho đến cấp tỉnh, cấp huyện) đều phải lập Báo cáo đầu tư trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi tiến hành các bước lập Dự án đầu tư.
- Hai là quy định về giao ai làm chủ đầu tư Dự án chưa tính đến năng lực và kinh nghiệm chuyên môn của họ.
- Theo quy định hiện hành, việc giao chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước do người quyết định đầu tư quyết định, mà không căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của chủ đầu tư.
- Quy định này dẫn đến một thực tế là: nhiều Dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước do các chủ đầu tư hạn chế về năng lực, thiếu chuyên môn về quản lý xây dựng đảm nhận.
- Để khắc phục hạn chế này, theo tôi, Luật Xây dựng sửa đổi sắp tới cần bổ sung quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục tuyển chọn chủ đầu tư có đủ năng lực một cách chặt chẽ và rõ ràng.
- Ba là bất cập trong quy định về thẩm định và phê duyệt các thiết kế sau khi dự án đã được phê duyệt.
- Luật Xây dựng hiện hành giao cho Chủ đầu tư toàn quyền tự tổ chức thẩm định, phê duyệt các bước thiết kế sau khi dự án đã được phê duyệt.
- Quy định này dẫn đến tình trạng nhiều công trình chất lượng không đảm bảo ngay từ khâu thiết kế.
- Việc thiết kế có vấn đề tất sẽ dẫn đến thi công có vấn đề.
- Theo tôi, Luật Xây dựng sửa đổi cần bổ sung cơ chế giám sát một cách chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước đối với Chủ đầu tư trong quá trình tổ chức thẩm định, phê duyệt các bước thiết kế sau khi dự án đã được phê duyệt.
Câu hỏi 2:
Việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước là một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, vấn đề này lại càng trở thành vấn đề “nóng”. Nhiều người cho rằng quy định hiện hành về cách thức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đã bộc lộ một số bất cập. Luật sư có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Trả lời
- Như tôi đã trình bày ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ dự án, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước là do chính sách pháp luật về quản lý các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước chưa chặt chẽ.
- Đặc biệt, các quy định hiện hành về mô hình quản lý dự án theo các hình thức hợp đồng EPC (Tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng), hợp đồng BT (Xây dựng – chuyển giao), BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao), PPP (mô hình đối tác công – tư),… là chưa rõ ràng.
- Tôi cho rằng, Dự án Luật Xây dựng sửa đổi tới đây nhất thiết phải bổ sung quy định cụ thể và rõ ràng về vấn đề quản lý dự án này.
- Trước hết, cần tách bạch và quy định rõ hơn phương thức, nội dung, phạm vi quản lý giữa các dự án sử dụng vốn nhà nước và dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước.
- Luật sửa đổi cũng phải hướng tới quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể, đặc biệt là các cơ quan quản lý có liên quan khi quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
- Bên cạnh việc phân định rõ ràng nói trên, phương thức và nội dung quản lý dự án cũng cần phải được đổi mới nhằm có thể quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước.
- Tôi đánh giá cao về mô hình tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước trong Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi hiện nay.
- Theo Dự thảo này, nhà nước sẽ thành lập những ban quản lý chuyên nghiệp theo khu vực hoặc theo chuyên ngành, thực hiện quản lý nhiều dự án thay vì tổ chức các ban quản lý theo từng dự án đơn lẻ như quy định tại Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.
- Mô hình quản lý này sẽ nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của ban quản lý, qua đó góp phần bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả của dự án đầu tư.
Câu hỏi 3:
Đấu thầu thực hiện các dự án đầu tư xây dựng là chủ đề khác đang rất nóng bỏng hiện nay. Hiện tại, hoạt động đấu thầu đang chịu sự điều chỉnh của cả Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi đang được soạn thảo theo hướng bỏ đi các nội dung về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và chuyển nội dung này sang Luật Đấu thầu sửa đổi. Quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
Trả lời:
- Hiện đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc nên hay không nên bỏ nội dung lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng ra khỏi Luật Xây dựng.
- Đúng là nếu tiếp tục để các quy định về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng như trong Luật Xây dựng hiện nay thì sẽ phần nào chồng chéo với Luật Đấu thầu.
- Tuy nhiên, Luật Đấu thầu chỉ bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước 30% trở lên.
- Nếu chúng ta chuyển toàn bộ quy định trong Luật Xây dựng về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng sang Luật Đấu thầu thì sẽ không có quy định điều chỉnh hoạt động đấu thầu trong các dự án không sử dụng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước dưới 30%.
- Do đó, theo tôi vẫn nên giữ một số các quy định về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng đối với các công trình không sử dụng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước dưới 30% để đảm bảo hành lang pháp lý cho các chủ đầu tư có cơ sở thực hiện.
- Các quy định này nên tiếp tục quy định trong Luật Xây dựng sửa đổi.
- Còn đối với các nội dung chồng chéo với Luật Đấu thầu thì nên lược bỏ và dẫn chiếu sang Luật Đấu thầu để tránh tạo nên khoảng trống trong quy định pháp luật.
Câu hỏi 4:
Luật Xây dựng 2003 quy định thiết kế cơ sở của các Dự án về xây dựng phải được thẩm định tại cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Tuy nhiên, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2009 đã bỏ quy định về vấn đề này. Theo đó, các chủ đầu tư chỉ trình thiết kế cơ sở lên cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng để lấy ý kiến nếu thấy cần thiết. Theo ông, quy định này đã phù hợp hay chưa và ông có đồng tình với quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng sắp tới không?
Trả lời:
- Đúng là trong thời gian qua chúng ta đã thấy những bất cập do việc buông lỏng quản lý, đặc biệt là đối với những công trình quan trọng nhưng lại không có sự thẩm định kỹ càng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chỉ cho đến khi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, không gian… cơ quan nhà nước mới quay ra xử lý thì đã muộn.
- Do đó, trong Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi lần này đã quy định:
- Đối với dự án quan trọng quốc gia, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định dự án;
- Đối với các dự án sử dụng vốn Ngân sách nhà nước, thiết kế cơ sở do Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định;
- Đối với các dự án của doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách, thiết kế cơ sở do Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định. Riêng đối với phần thiết kế công nghệ do người quyết định đầu tư giao cho cơ quan chuyên môn trực thuộc thẩm định;
- Đối với các dự án sử dụng vốn khác, vốn hỗn hợp, Thiết kế cơ sở do Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định đối với dự án công trình công cộng, công trình có tác động lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng. Các dự án khác do người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định.
- Với việc phân loại dự án theo nguồn vốn đầu tư như tại Dự thảo lần này, tôi tin rằng việc thẩm định thiết kế cơ sở đối với các công trình xây dựng quan trọng trong thời gian tới sẽ được thực hiện tốt hơn.
- Mặt khác, việc vẫn để cho người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định đối với dự án sử dụng vốn khác, vốn hỗn hợp cũng là một giải pháp đúng đắn nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực tư nhân.
- Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với nhiều quan điểm là cần phải quy định rõ sử dụng vốn nhà nước là sử dụng bao nhiêu % vốn nhà nước trong Dự án nhằm khuyến khích việc tìm kiếm và huy động các nguồn lực, tăng thêm cơ hội hợp tác đầu tư trong các dự án sử dụng cả vốn nhà nước và vốn tư nhân.
Câu hỏi 5:
Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ hướng dẫn Luật Xây dựng 2003 về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Vì lý do nào đó, Khoản 1[1] Điều 19 Nghị định này đã quy định các công trình không phải xin Giấy phép xây dựng vượt quá cả phạm vi được quy định tại Điều 62 Luật Xây dựng 2003 về các trường hợp được miễn cấp Giấy phép xây dựng. Tại Dự thảo lần này, chưa thấy có bổ sung nào đối với trường hợp quy định “vượt quá” này. Xin Luật sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Trả lời:
- Nghị định số 12/2009/NĐ-CP có quy định một số trường hợp mà chủ đầu tư xây dựng công trình không phải xin giấy phép xây dựng nằm ngoài quy định tại Điều 62 Luật Xây dựng 2003.
- Bao gồm: “Công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
- Mặc dù quy định nêu trên đã vượt quá so với quy định trong Luật Xây dựng 2003 nhưng về thực tế đã rút ngắn được thời gian thực hiện dự án, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư và người thụ hưởng sản phẩm của dự án.
- Theo quan điểm của tôi, nhà làm luật cần xem xét bổ sung thêm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định 12/2009 vào Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi lần này.
- Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, việc quy định loại công trình nào cần phải xin Giấy phép xây dựng là cần thiết.
- Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc cần thiết hơn là phải có cơ chế giám sát việc tuân thủ Giấy phép xây dựng của Chủ đầu tư.
- Thời gian vừa qua đã chứng kiến nhiều công trình xây dựng sai phép mà cách thức xử lý chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính.
- Chính quy định và cách thức thực hiện không nhất quán của cơ quan quản lý nhà nước khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân coi thường pháp luật.
- Điểm quan trọng nữa mà theo tôi cũng cần xử lý nghiêm đó là hành vi trục lợi của một số cán bộ lợi dụng việc cấp Giấy phép xây dựng để sách nhiễu đơn vị xin cấp phép.
- Chỉ khi xử lý được triệt để và mạnh tay đối với hai vấn đề này thì theo tôi việc cấp Giấy phép xây dựng mới thực sự có hiệu quả.
Câu hỏi 6:
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết có rất nhiều ý kiến ủng hộ việc quy định chi tiết về cấp giấy phép xây dựng tạm tại dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung. Xin Luật sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Trả lời:
- Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi đã quy định cho cấp giấy phép xây dựng tạm đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ đáp ứng các điều kiện được cấp giấy phép xây dựng nhưng vì thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chủ đầu tư phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng tạm hết hạn.
- Trường hợp không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình.
- Trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch trước thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm thì Nhà nước phải bồi thường cho chủ đầu tư.
- Tôi cho rằng việc dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi nên bổ sung quy định cụ thể như trên là hết sức cần thiết.
- Thứ nhất, quy định này sẽ đảm bảo cho người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định, liên tục và không bị gián đoạn trước khi có quyết định thu hồi đất.
- Thứ hai, sẽ tránh gây lãng phí tài nguyên đất khi nhà nước chưa có quyết định thu hồi để sử dụng vào mục đích khác, bởi từ khi có quyết định phê duyệt quy hoạch đến khi nhà nước thu hồi đất có thể kéo dài đến vài năm, chưa kể quy hoạch vẫn có thể được điều chỉnh.
- Thứ ba, quy định như vậy sẽ hạn chế sự tùy tiện, sách nhiễu trong việc cấp giấy phép xây dựng tạm đang diễn ra hiện nay.
- Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm như hiện nay là chưa hợp lý.
- Cụ thể, Dự thảo đang quy định điều kiện để được cấp Giấy phép xây dựng cho công trình lại chính là các điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng công trình.
- Như vậy, sẽ rất ít công trình xây dựng tạm được cấp Giấy phép xây dựng vì khó có thể đáp ứng được các điều kiện như quy định trong Dự thảo.
Xin cảm ơn Luật sư.
___________________________
Ghi chú:
[1] Điều 19 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP quy định về Giấy phép xây dựng công trình:
Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây:
a) Công trình thuộc bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ xây dựng công trình chính;
b) Công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình;
đ) Công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô nhỏ thuộc các xã vùng sâu, vùng xa;
e) Nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung; nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt.