VTV2 phỏng vấn LS. Trịnh Văn Quyết chuyên đề về Luật Việc làm

Câu hỏi 1:

Luật Việc làm được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2013, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII. Dưới góc nhìn của một Luật sư, ông có đánh giá như thế nào về sự ra đời của Luật Việc làm trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam?

Trả lời:

  • Luật Việc làm là một Luật mới được thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.
  • Luật này quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm.
  • Đây không phải là những vấn đề hoàn toàn mới. Thực chất, các vấn đề này đã được quy định rải rác tại các văn bản luật khác nhau như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề…
  • Tôi hy vọng với sự ra đời của Luật Việc làm sẽ góp phần khắc phục được sự tản mạn nêu trên, qua đó hoàn thiện thêm chính sách pháp luật về việc làm, góp phần đảm bảo thị trường việc làm bền vững cho mọi người lao động trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội trong việc tạo cơ hội làm việc cho người lao động có nhu cầu.
  • Tôi cũng hy vọng Luật Việc làm sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nâng cao chất lượng người lao động theo hướng bổ sung thêm đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động ở nước ta.

Câu hỏi 2:

Theo Luật sư nói thì Luật Việc làm đang điều chỉnh những vấn đề mà nhiều luật khác đã và đang điều chỉnh. Vậy đâu là các nội dung chính sách mới đáng chú ý mà Luật Việc làm đang điều chỉnh? Ông có nhận xét như thế nào về các chính sách pháp luật mới này so với các quy định trước đây?

Trả lời:

  • Luật việc làm quy định 5 nội dung chính nổi bật bao gồm:
  • Thứ nhất, có 06 chính sách hỗ trợ tạo việc làm trực tiếp bao gồm: chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động khu vực nông thôn như được hỗ trợ học nghề, được giới thiệu việc làm miễn phí, được tư vấn miễn phí về chính sách pháp luật về lao động, việc làm và học nghề; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chương trình việc làm công; và hỗ trợ thị trường phát triển lao động nói chung.
  • Trong các chính sách này, tôi đánh giá cao chính sách cho vay để giải quyết và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về Việc làm.
  • Việc thành lập quỹ này thể hiện tính nhân văn cao của Luật Việc làm.
  • Thứ hai, các thông tin về thị trường lao động sẽ được cập nhật do các cơ quan quản lý nhà nước về lao động thực hiện và công bố công khai trên mạng thông tin về cơ sở dữ liệu thị trường lao động.
  • Với quy định này, người lao động và người sử dụng lao động có thể dễ dàng hơn trong tìm kiếm việc làm thông qua một kênh chính thức là mạng thông tin về cơ sở dữ liệu thị trường lao động do cơ quan quản lý về lao động trực tiếp quản lý bên cạnh những cơ sở dữ liệu về việc làm do các doanh nghiệp đang thực hiện hiện nay.
  • Thứ ba, vấn đề đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã được quy định một cách chi tiết và đầy đủ hơn.
  • Quy định này thay thế quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại Luật Dạy nghề 2006 đã bộc lộ nhiều hạn chế.
  • Với quy định này, hy vọng trong tương lai sẽ không còn trường hợp người lao động được cấp chứng chỉ nghề nhưng khi hành nghề trên thực tiễn thì không làm được hoặc không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động như hiện nay.
  • Thứ tư, vai trò và chức năng của các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn.
  • Theo đó, các trung tâm, doanh nghiệp này không chỉ đơn thuần giới thiệu việc làm cho người lao động mà còn thực hiện các hoạt động dịch vụ liên quan đến việc làm bao gồm: “tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động”.
  • Quy định này thực chất là luật hóa những công việc các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm đã thực hiện trên thực tế.
  • Thứ năm, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã được mở rộng hơn.
  • Theo đó, mọi người lao động ký kết Hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng cho đến không xác định thời hạn đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
  • Đặc biệt, mọi người sử dụng lao động, từ đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập, các đơn vị vũ trang, các tổ chức, doanh nghiệp có thuê mướn, sử dụng lao động theo Hợp đồng lao động đều phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
  • Tôi đánh giá cao quy định mới này vì Luật đã hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích cho mọi đối tượng người lao động – những người thường ở thế yếu trong quan hệ lao động.

Câu hỏi 3:

Như ông nói ở trên, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm là một trong những quy định mang tính nhân văn cao. Theo quy định, những đối tượng nào được hưởng chính sách này và họ phải đáp ứng các điều kiện gì? Theo ông, quy định như vậy đã hợp lý chưa?

Trả lời:

  • Luật Việc làm thể hiện tính nhân văn ở quy định Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
  • Đối tượng được vay vốn từ Quỹ này chỉ bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; Người lao động.
  • Quy định này đã hướng tới đúng đối tượng cần được sự trợ giúp, ưu đãi về vốn; khuyến khích các cá nhân có thể tự tạo việc làm cho mình và các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất tạo thêm nhiều việc làm.
  • Nếu các đối tượng vay vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; đối tượng vay vốn là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật thì được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơ
  • Về điều kiện vay vốn, đối tượng vay vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh thì phải có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định.
  • Dự án này phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án xác nhận và có bảo đảm tiền vay khi thực hiện vay vốn.
  • Trong trường hợp đối tượng vay vốn là người lao động thì người này phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động; cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.
  • Có thể thấy, các quy định về điều kiện vay vốn là khá đơn giản, tạo thuận lợi cho người có nhu cầu vay vốn.
  • Nhìn chung, các quy định của pháp luật về chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thể hiện chủ trương đúng đắn của Nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, là một trong những giải pháp tốt thúc đẩy tạo thêm việc làm cho thị trường lao động.
  • Tuy nhiên, để chính sách tín dụng ưu đãi thực sự phát huy được tác động tích cực nói trên thì cần có quy định cụ thể, hướng dẫn thêm của Chính phủ về mức vay, thời hạn vay, lãi suất cho vay, trình tự, thủ tục vay vốn và điều kiện bảo đảm tiền vay.

Câu hỏi 4:

Quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ, kỹ năng hành nghề quốc gia sẽ thay thế quy định tại Luật Dạy nghề 2006. Theo ông, quy định như vậy có hợp lý không? Quy định này có những điểm nào đáng chú ý?

Trả lời:

  • Theo tôi, việc quy định ở Luật nào không quan trọng. Quan trọng là việc thực hiện và triển khai quy định đó trên thực tế.
  • Hơn nữa, những quy định tại Luật Việc Làm về cấp chứng chỉ, kỹ năng hành nghề hơi khác so với các quy định tại Luật Dạy nghề.
  • Luật Dạy nghề 2006 chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quan hệ dạy nghề, tức dạy nghề để tạo việc làm trong tương lai.
  • Trong khi đó, hoạt động đánh giá kỹ năng mà Luật Việc làm hướng tới là để củng cố quan hệ lao động. Đây là hai quan hệ khác nhau cần được quy định tách biệt, rõ ràng.
  • Tôi cũng đồng ý với quan điểm của một số nhà làm luật cho rằng việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với việc làm và thị trường lao động.
  • Đây là việc công nhận năng lực làm việc thực sự của người lao động, không phân biệt trình độ chuyên môn kỹ thuật của họ có được từ bất kỳ loại hình, phương thức đào tạo nào hay do tự rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình lao động thực tiễn hoặc được truyền nghề.
  • So với các nội dung quy định tại Luật Dạy nghề 2006, Luật Việc làm 2013 đã chi tiết hơn về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng hành nghề quốc gia và có một số điểm theo tôi là đáng chú ý sau đây:
  • Một là, việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia phải do một tổ chức đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia thực hiện.
  • Hai là, mục tiêu của đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là việc công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp của người lao động trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ, có đủ năng lực tương xứng với trình độ đã được đào tạo, đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong làm việc, sức khỏe phù hợp với ngành nghề sẽ đảm nhiệm.
  • Khoản 1 Điều 33 Luật Việc Làm quy định: “Người lao động đạt yêu cầu ở bậc trình độ kỹ năng nghề nào thì được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ đó”. Người sử dụng lao động sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề của người lao động để tuyển, sử dụng lao động hợp lý, xếp lương, nâng lương phù hợp nhằm tăng năng suất lao động, đồng thời đánh giá được quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm của người lao động trong làm việc.
  • Ba là, người lao động có quyền lựa chọn tổ chức đánh giá kỹ năng nghề.
  • Quy định này mở rộng quyền của người lao động được tự do lựa chọn tổ chức đánh giá mà mình tin tưởng, tạo sự cạnh tranh giữa các tổ chức đánh giá có lợi cho việc đánh giá chính xác trình độ kỹ năng nghề của người lao động.

Câu hỏi 5:     

Dịch vụ việc làm” là một thuật ngữ mới xuất hiện tại Luật Việc làm. Theo Luật sư, quy định này có ý nghĩa gì đối với thị trường lao động và quy định về dịch vụ việc làm tại Luật Việc làm có những điểm nào đáng chú ý?

Trả lời:

–        Thực chất, đây không phải là một thuật ngữ mới. Quy định về Tổ chức dịch vụ việc làm đã được quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2012.

–        Tuy nhiên, trong Luật Việc làm, quy định về “dịch vụ việc làm” được làm rõ hơn, bao gồm: tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động.

       Theo tôi, các quy định này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của thị trường lao động Việt Nam hiện nay.

  • Đó chính là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, tạo điều kiện giúp người lao động được làm những công việc phù hợp với nguyện vọng và trình độ của mình, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống bản thân và gia đình, góp phần giúp xã hội phát triển lành mạnh.
  • Phù hợp với quy định tại Bộ luật Lao động 2012, Luật Việc Làm quy định hai hình thức tổ chức dịch vụ việc làm, bao gồm: Trung tâm dịch vụ việc làm và Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
  • Trung tâm dịch vụ việc làm là tổ chức dịch vụ công về việc làm, là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, thực hiện hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động.
  • Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được thu phí đối với các hoạt động dịch vụ việc làm và là một ngành kinh doanh có điều kiện, phải được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.

–        Quy định này đảm bảo người lao động vẫn có điều kiện được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm dịch vụ việc làm bên cạnh hoạt động dịch vụ có thu phí của các doanh nghiệp.

Câu hỏi 6:

Quy định về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 được thay thế bằng các quy định về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm. Theo Luật sư, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật việc làm?

Trả lời:

–        Trước tiên, có thể khẳng định rằng việc chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 bằng các quy định về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật việc làm là phù hợp với thông lệ quốc tế.

–        Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, phần lớn các nước quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp hay bảo hiểm việc làm tại một văn bản Luật riêng hoặc quy định trong Luật Việc làm. Ví dụ như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đức, Ác-hen-ti-na, Mông Cổ,….. Chỉ có một số nước quy định trong Luật bảo hiểm xã hội như Thái Lan và Mỹ.

–        Thứ hai, mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp có sự khác biệt so với bảo hiểm xã hội. Do đó, cần phải chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm để phù hợp với mục tiêu của từng loại bảo hiểm.

  • Bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm ngắn hạn. Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là nhằm hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động thất nghiệp để họ sớm tìm được việc làm; đồng thời, có hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp.
  • Mục tiêu ngắn hạn này khác với bảo hiểm xã hội, trong đó trụ cột chính là bảo hiểm hưu trí, là bảo hiểm dài hạn.
  • Mục tiêu chính của báo hiểm xã hội là sự bảo đảm, thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi nghỉ hưu….

–        Thứ ba, việc chuyển chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm không làm thay đổi mô hình tổ chức, không gây xáo trộn về hoạt động quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, cũng như triển khai thực hiện chính sách này.

–        Như vậy, có thể thấy quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm là chính sách được kế thừa và phát triển từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành có bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, qua đó hỗ trợ duy trì phát triển việc làm, ngăn ngừa thất nghiệp và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Câu hỏi 7:

Như vậy, theo quy định tại Luật Việc làm, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã được mở rộng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động. Xin Luật sư cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Trả lời:

–        Luật Việc làm đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội.

–        Theo Luật Việc làm thì bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

–        Trong khi đó, bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên và người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 người lao động trở lên.

–        Việc mở rộng đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đối tượng người lao động.

–        Ngoài đối tượng người lao động, đối tượng người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng được mở rộng trong Luật Việc làm.

–        Theo đó, người sử dụng lao động là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

–        Người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi đủ các điều kiện được quy định tại Luật Việc làm.

–        Quy định này có ý nghĩa to lớn, gián tiếp góp phần giảm tình trạng lao động thất nghiệp, giảm bớt khó khăn gánh nặng cho các doanh nghiệp đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế còn khủng hoảng như giai đoạn hiện nay.

–        Ngoài đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp mở rộng hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội thì Luật việc làm còn quy định về chế độ của bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng hơn.

–        Cụ thể, trong Luật Việc làm có quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất kinh doanh.

Câu hỏi 8:

Thực tiễn thi hành các quy định trước đây về bảo hiểm thất nghiệp không mấy hiệu quả, đặc biệt là quy định về việc hỗ trợ tìm việc làm cho người thất nghiệp. Theo đánh giá của ông, quy định về vấn đề này tại Luật Việc làm có khắc phục được tình trạng này không và cần phải làm gì để thực hiện Luật này có hiệu quả?

Trả lời:

  • Theo quy định của Luật Việc làm, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm và hỗ trợ người lao động tìm việc làm. Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
  • Tuy nhiên, đây là những quy định không mới và đã được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, việc Luật Việc làm có khắc phục và cải thiện tình trạng hiện nay hay không theo tôi phụ thuộc phần lớn vào việc thực hiện và triển khai luật này.
  • Trên thực tế, cũng đã diễn ra nhiều trường hợp người lao động lợi dụng quy định về bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi từ quỹ này hoặc cán bộ công nhân viên chịu trách nhiệm kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gây khó dễ cho người lao động.
  • Hiện nay, Luật Việc làm đã được thông qua nhưng phải đến năm 2015 mới bắt đầu có hiệu lực. Do đó, theo tôi, để đánh giá hiệu quả thi hành Luật này thì cần thêm một thời gian nữa.
  • Theo tôi, để đẩy mạnh và phát huy hiệu quả của Luật Việc làm, trong thời gian tới cần thực hiện nghiêm túc một số vấn đề sau:
  • Thứ nhất, cần triển khai xây dựng ngay các Nghị định và Thông tư hướng dẫn để có thể thực thi ngay luật này khi luật có hiệu lực thi hành;
  • Thứ hai, cần thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Việc làm đến người lao động và người sử dụng lao động trên cả nước để người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, tránh trường hợp để đến khi vi phạm mới xử phạt vi phạm thì vừa không hiệu quả, vừa không đảm bảo sự minh bạch trong triển khai thi hành pháp luật.
  • Thứ ba, cần chuẩn bị dần để đảm bảo tổ chức thực hiện tốt việc giám sát thực thi quy định của luật này, đặc biệt là khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp để tránh phát sinh tiêu cực.