Câu hỏi 1: Thưa luật sư, Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2013 được đánh giá là đã tạo ra một bước tiến lớn trong hoạt động đấu thầu. Luật sư có nhận xét gì về đánh giá này?
Trả lời:
- Đánh giá chung, tôi thấy Luật Đấu thầu năm 2013 có nhiều quy định mới phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, thể hiện sự tiến bộ so với Luật Đấu thầu năm 2005.
- Có thể kể đến một số điểm mới cơ bản của Luật Đấu thầu năm 2013 sau đây:
- Thứ nhất, Luật Đấu thầu năm 2013 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Đấu thầu 2005.
- Theo quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2013 thì hoạt động đấu thầu sẽ bao gồm lựa chọn nhà thầu và lựa chọn nhà đầu tư.
- Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ nói đến đấu thầu lựa chọn nhà thầu thôi. Khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 bổ sung quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất.
- Xét đến yếu tố vốn nhà nước trong dự án để phải áp dụng Luật Đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
- Nếu như Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ áp dụng đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thì Luật Đấu thầu năm 2013 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả dịch vụ phi tư vấn như: logistics, bảo hiểm, quảng cáo, lắp đặt, nghiệm thu chạy thử, tổ chức đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng, vẽ bản đồ và hoạt động khác không phải là dịch vụ tư vấn.
- Ngoài ra, Luật Đấu thầu năm 2013 còn mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam mà dự án đó sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
- Thứ hai, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ về hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp tại Chương 2 của Luật này.
- Về hình thức, các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được quy định rõ về nội dung và các trường hợp áp dụng tương ứng.
- Về phương thức, các phương thức lựa chọn nhà thầu được hệ thống lại thành bốn phương thức và trường hợp áp dụng tương ứng.
- Quy định rõ ràng và cụ thể như vậy sẽ tạo điều kiện áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Thứ ba, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cũng được Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ đối với từng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
- Các quy định này thể hiện sự đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đấu thầu, góp phần tăng cường sự minh bạch, công khai trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Câu hỏi 2: Như nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin, một trong những điểm mới của Luật Đấu thầu năm 2013 hướng tới thực hiện chủ trương “Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Xin Luật sư cho biết vấn đề này được thể hiện như thế nào trong Luật Đấu thầu 2013?
Trả lời:
- Có thể thấy rằng Luật Đấu thầu năm 2013 có nhiều quy định ưu đãi nhà thầu trong nước và hạn chế sự tham gia của nhà thầu nước ngoài trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
- Tôi có thể nêu lên một vài ví dụ sau đây:
- Khi quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu năm 2013 nêu rõ nhà thầu nước ngoài chỉ được tham gia đấu thầu quốc tế. Để có tư cách hợp lệ, nhà thầu nước ngoài buộc phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng thầu phụ trong nước trừ trường hợp nhà thầu trong nước không thể đảm nhận bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.
- Khi quy định về đấu thầu quốc tế để nhà thầu nước ngoài được tham gia, Điều 15 Luật Đấu thầu năm 2013 đã sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 theo hướng quy định chặt hơn các trường hợp được tổ chức đấu thầu quốc tế.
- Theo Luật 2013, đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu được thực hiện trong ba trường hợp sau đây:
+ Nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế;
+ Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá. Trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế;
+ Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.
- Như vậy, về cơ bản, việc tham gia của nhà thầu nước ngoài chỉ được phép trong các trường hợp nhà thầu trong nước không thể thực hiện được trừ trường hợp nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế. Trong trường hợp này, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước để nhà thầu trong nước có cơ hội tiếp cận với các yếu tố kỹ thuật, công nghệ mới hoặc quy trình quản lý, giám sát tiên tiến trên thế giới.
- Một ví dụ khác là quy định về các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.
- Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định theo hướng dành ưu đãi cho nhà thầu trong nước hoặc sử dụng hàng hóa có nguồn gốc trong nước. Ví dụ: Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên; Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh hoặc Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu sẽ thuộc đối tượng ưu đãi.
- Ngoài ra, khi quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, Điều 50 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ đối với việc đối với thuốc sản xuất trong nước đã được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thì nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu.
- Đây cũng được coi là một chủ trương “Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong Luật đấu thầu 2013.
Câu hỏi 3: Luật Đầu thầu năm 2013 được coi là đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 và Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 27/12/2010 của chính phủ. Theo Luật sư, Luật Đấu thầu 2013 đã thực sự đơn giản hóa thủ tục hành chính hay chưa?
Trả lời:
- Có thể kể đến các thủ tục mang tính hành chính trong hoạt động đấu thầu sau đây: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu; thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; phê duyệt hoặc có ý kiến xử lý về kết quả lựa chọn nhà thầu…
- Khác với Luật Đấu thầu năm 2005, những thủ tục trên đã được quy định khá rõ ràng, chi tiết trong Luật Đấu thầu năm 2013. Kể cả đối với thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu và thời hạn gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Tôi cho rằng việc quy định rõ ràng chi tiết các thủ tục đã giúp cho việc công khai hóa, đảm bảo minh bạch hơn trong đấu thầu.
- Nếu chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện những quy định này thì quá trình lựa chọn nhà thầu đã được đảm bảo, ít nhất là về mặt thời gian.
Câu hỏi 4: Luật Đấu thầu năm 2013 còn quy định bổ sung thêm một số phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu. Luật sư đánh giá như thế nào về hiệu quả do việc bổ sung những phương pháp này mang lại?
Trả lời:
- Luật Đấu thầu năm 2013 bổ sung thêm các phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tại các Điều 39, 40 và 41.
- Theo đó, các phương pháp đánh giá bao gồm: phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá, phương pháp giá cố định, phương pháp dựa trên kỹ thuật, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.
- Như vậy, không chỉ dừng lại ở việc hệ thống và làm rõ những phương pháp đánh giá hồ sơ cũ, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung thêm các phương pháp đánh giá mới như phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá, phương pháp giá cố định.
- Các phương pháp này đều sử dụng giá làm tiêu chí đánh giá chính. Trước đây, tiêu chí để đánh giá hồ sơ dự thầu là kỹ thuật và năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.
- Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2013 sẽ dẫn đến có nhiều gói thầu không yêu cầu cao về mặt kỹ thuật như các gói thầu đơn giản, quy mô nhỏ. Khi đó, tiêu chí về giá cần được ưu tiên xem xét để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các nhà thầu.
- Vì vậy, Luật Đấu thầu năm 2013 xác định giá và kỹ thuật là hai tiêu chí chính để đánh giá hồ sơ đồng thời quy định việc áp dụng các tiêu chí này trong từng phương pháp đánh giá.
- Các phương pháp đánh giá được quy định phù hợp với đặc thù của các gói thầu. Quy định như vậy sẽ hạn chế việc đánh giá phiến diện, tùy tiện, thiếu minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
- Cá nhân tôi đánh giá những quy định mới về phương pháp đánh giá trong Luật Đấu thầu năm 2013 là tương đối rõ ràng, đa dạng và sẽ mang lại hiệu quả áp dụng pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Câu hỏi 5: Luật Đấu thầu năm 2013 có quy định về mua thuốc và vật tư y tế. Theo Luật sư, điều này có ảnh hưởng tới giá thuốc cũng như việc quản lý về giá thuốc trong thời gian tới hay không?
Trả lời:
- Theo tôi, khi bổ sung quy định về mua thuốc và vật tư y tế trong Luật Đấu thầu năm 2013, nhà làm luật cũng đã tính đến nó như một biện pháp nhằm quản lý giá thuốc một cách có hiệu quả trong thời gian tới – một vấn đề làm nhà quản lý khá đau đầu trong nhiều năm qua.
- Ngoài các quy định chung, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc còn được thực hiện theo hình thức đàm phán giá trong trường hợp thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời hạn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác.
- Tôi cho rằng quy định này sẽ góp phần tích cực để các cơ quan chức năng có thể quản lý giá thuốc, bởi lẽ mặc dù chỉ quy định áp dụng bắt buộc đối với các cơ sở y tế công lập nhưng đối với cơ sở y tế ngoài công lập không chọn áp dụng quy định của luật này thì chỉ được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế theo đúng mặt hàng thuốc, đơn giá thuốc và giá vật tư y tế đã trúng thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn.
- Điều này hy vọng sẽ góp phần tránh được tình trạng “loạn” giá thuốc như trong thời gian vừa qua.
- Tuy nhiên, tác động của quy định này tới giá thuốc và việc quản lý giá thuốc đến đâu thì cần phải có thời gian. Trong thời gian tới Bộ Y tế mới ban hành cụ thể danh mục thuốc đấu thầu, thuốc đấu thầu tập trung và thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá, đồng thời cũng quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế và thực hiện việc công khai giá thuốc, giá vật tư y tế theo kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Theo tôi, cách tốt nhất để quản lý giá thuốc là công khai minh bạch về đơn giá thuốc hơn nữa đến tận người tiêu dùng để người tiêu dùng có thể cùng tham gia giám sát đối với đơn giá thuốc.
Câu hỏi 6: Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án đầu tư có sử dụng đất cũng phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013. Xin Luật sư cho biết rõ hơn về quy định này? Luật sư đánh giá như thế nào về điểm mới này?
Trả lời:
- Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất mới chỉ được quy định có tính nguyên tắc trong Luật Đấu thầu năm 2013.
- Chúng ta vẫn cần một văn bản hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn về quy trình lựa chọn nhà đầu tư và trình tự trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
- Đây là một quy định mới so với Luật Đấu thầu năm 2005. Tôi tin rằng với việc bổ sung quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng và dịch vụ công cộng tại Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường Việt Nam như kỳ vọng của các nhà xây dựng luật.
- Nếu các quy định này được thực hiện nghiêm túc, chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào mục tiêu tăng cường minh bạch hóa và tăng tính cạnh tranh cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.
- Tuy nhiên, để đánh giá được tác động thực sự của các chính sách này đối với môi trường đầu tư Việt Nam cần phải có thời gian khi Luật đấu thầu 2013 thực sự được triển khai trên thực tế.
Câu hỏi 7: Đấu thầu qua mạng được coi là nét mới của Luật Đấu thầu năm 2013 so với Luật Đấu thầu năm 2005. Luật sư đánh giá như thế nào về nhận định này?
Trả lời:
- Thực tế, hoạt động đấu thầu qua mạng đã được thực hiện từ năm 2010 theo Thông tư số 17/2010/TT-BKH ngày 22/7/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng.
- Việc thí điểm chỉ thực hiện tại 03 cơ quan là UBND Tp. Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Tập đoàn điện lực Việt Nam. Các cơ quan còn lại chỉ khuyến khích thực hiện mà không bắt buộc phải thực hiện việc đấu thầu qua mạng.
- Hiện tại, Luật Đấu thầu năm 2013 đang “để ngỏ” việc quy định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng. Thay vào đó, Luật quy định sẽ để cho Chính phủ quy định chi tiết tại một văn bản hướng dẫn.
- Tuy nhiên, kết quả tổng kết thực hiện đấu thầu qua mạng giai đoạn 2009-2013 cho thấy, việc đấu thầu qua mạng “đem lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu”.
- Ngoài các đơn vị triển khai thí điểm, nhiều địa phương cũng tích cực, chủ động đăng ký việc đấu thầu qua mạng. Điều này càng chứng tỏ những lợi ích mà việc đấu thầu qua mạng đem lại.
- Thực tế trên thế giới, việc triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng đã được thực hiện từ lâu và cũng đã chứng minh những hiệu quả thiết thực mà đấu thầu qua mạng mang lại.
- Theo tôi, để thực hiện tốt việc đấu thầu qua mạng trên cả nước, các cơ quan có thẩm quyền ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất phù hợp còn cần nâng cao trình độ của cán bộ, chuyên viên phụ trách trong công tác đấu thầu để có thể nhanh chóng triển khai và thực hiện đấu thầu qua mạng rộng rãi trên cả nước.
Câu hỏi 8: Việc ký kết, thực hiện Hợp đồng có gì mới trong Luật Đấu thầu năm 2013 so với Luật năm 2005? Theo Luật sư, những quy định này sẽ có tác động như thế nào đến việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và thực hiện hợp đồng trong thời gian tới?
Trả lời:
- Một trong những điểm mới trong phần Hợp đồng với nhà thầu đó là quy định “Hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản”.
- Khi áp dụng Hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo loại hợp đồng này phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói.
- Cụ thể, đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp có quy mô nhỏ thì phải áp dụng hợp đồng trọn gói.
- Quy định trên chắc chắn sẽ góp phần làm giảm các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện gói thầu, tránh trường hợp đấu thầu giá rẻ nhưng khi trúng thầu lại yêu cầu tăng giá.
- Luật Đấu thầu năm 2013 cũng quy định rõ trong hợp đồng với nhà thầu phải có quy định trách nhiệm trong trường hợp tính toán sai số lượng, khối lượng công việc. Các nhà thầu cũng sẽ phải thận trọng, cân nhắc hơn khi đưa ra mức giá để đấu thầu cho các hợp đồng trọn gói.
- Đối với việc ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, Luật Đấu thầu năm 2013 cũng quy định cụ thể các hợp đồng ký với nhà đầu tư bao gồm Hợp đồng BOT, BTO, BOO, BT và các loại hợp đồng khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Ngoài ra, Luật Đấu thầu năm 2013 cũng quy định cụ thể hơn về điều kiện ký kết hợp đồng và các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.
- Tôi cho rằng các quy định mới này sẽ tạo ra khung pháp lý và cơ sở vững chắc hơn trong việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và thực hiện hợp đồng trong thời gian tới.
- Nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn cũng sẽ phải thận trọng hơn khi đặt bút ký hợp đồng.
- Tuy nhiên, tác động của những chính sách pháp luật trong đấu thầu cần có thời gian nhìn nhận, đánh giá khi Luật Đấu thầu mới chính thức có hiệu lực và được triển khai thực hiện.
Câu hỏi 9: Luật Đấu thầu năm 2013 cũng được đánh giá cao khi bổ sung các quy định về phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu. Theo Luật sư, cần phải thực hiện triển khai những quy định này như thế nào để chúng thực sự phát huy tác dụng trong việc tổ chức đấu thầu?
Trả lời:
- Bên cạnh việc bổ sung thêm các quy định về hành vi bị cấm trong đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 còn có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của người có thẩm quyền, bên mời thầu, nhà thầu và nhà đầu tư trong xử lý vi phạm.
- Việc quy định rõ trách nhiệm này sẽ giúp người có thẩm quyền hoặc cơ quan thanh tra, kiểm tra có điều kiện nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau, được cung cấp đầy đủ thông tin, tránh giải quyết phiến diện, một chiều, khép kín.
- Tôi cho rằng đây là những quy định tiến bộ và chắc chắn sẽ phát huy tác dụng trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu.
- Để những quy định này thực sự phát huy tác dụng, tôi cho rằng có hai việc cần phải tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc.
- Một là, phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định trong Luật Đấu thầu năm 2013 đến chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư để các cá nhân, tổ chức này nắm rõ được quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện đấu thầu.
- Hai là, cần tăng cường nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ công chức, viên chức nhà nước chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu để hoạt động đấu thầu thực sự công bằng, minh bạch. Luật có nghiêm nhưng không tổ chức thực thi nghiêm chỉnh và công bằng thì Luật cũng sẽ chẳng phát huy được hiệu lực điều chỉnh.