Nếu như trách nhiệm của Tòa án là phân định đúng sai, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong vụ án dân sự thì Cơ quan thi hành án lại có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho phán quyết của Tòa án được thi hành. Bản chất của thi hành án dân sự là việc thực thi quyền và nghĩa vụ dân sự nên các bên vẫn có quyền tự định đoạt, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án của đương sự, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Tuy nhiên, nếu thời gian kéo dài quá lâu thì việc tổ chức thi hành án sẽ gặp những khó khăn, phức tạp và trong nhiều trường hợp sẽ không thể thực hiện được. Vì vậy, pháp luật quy định người được thi hành án chỉ được quyền yêu cầu thi hành án trong một thời hạn nhất định, được gọi là ”thời hiệu yêu cầu thi hành án”. Vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án có ý nghĩa gì trong tiến trình tố tụng dân sự; trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì những phán quyết của Tòa sẽ có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành như thế nào? Đây là vấn đề cần được làm rõ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đương sự.
Khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định: “Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này”. Theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 thời hiệu yêu cầu thi hành án được xác định là 05 năm. Tuy nhiên, thời hiệu này chỉ áp dụng đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu; còn đối với trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án (trả lại tạm ứng án phí; trả lại tiền, tài sản cho đương sự …) thì không bị hạn chế về thời hiệu nêu trên. Bên cạnh đó, pháp luật thi hành án dân sự chỉ quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án chứ không quy định thời hạn thi hành một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật là bao lâu. Vì vậy, khi đã có đơn yêu cầu thi hành án trong thời hiệu nêu trên thì bất cứ khi nào có điều kiện thi hành án thì người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành.
Trong trường hợp đương sự có lý do bất khả kháng nhưng lại không đủ căn cứ chứng minh hoặc những lý do nằm ngoài trường hợp bất khả kháng hoặc đơn giản là không hiểu biết pháp luật mà để quá thời hiệu thì cũng sẽ bị xem như mất quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án tổ chức thi hành đối với bản án, quyết định đó. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì phán quyết của Tòa sẽ có giá trị như thế nào.
Khoản 1 Điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Ngoài ra, trong Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất kỳ điều khoản nào quy định về thời hạn có hiệu lực đối với một bản án, quyết định của Tòa. Như vậy, bản án, quyết định không có kháng cáo/kháng nghị thì không bị giới hạn về thời gian có hiệu lực pháp luật. Hay nói cách khác, khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, bản án, quyết định của Tòa vẫn có giá trị pháp lý.
Bên cạnh đó, so sánh với Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 trước đây, khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh này quy định thời hạn yêu cầu thi hành án là 03 năm: “Hết thời hạn đó, nếu người được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành”. Tuy nhiên, từ Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 đến Luật Thi hành án dân sự hiện hành đều đã bãi bỏ nội dung nêu trên, không còn quy định về việc hạn chế hiệu lực thi hành phán quyết của Tòa. Như vậy, qua các lần sửa đổi luật, quan điểm của nhà lập pháp đã nhìn nhận vấn đề nêu trên theo một hướng khác: Bản án, quyết định của Tòa án không đương nhiên hết hiệu lực thi hành khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, phán quyết của Tòa vẫn có giá trị pháp lý và không đương nhiên hết hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, việc yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án không phải là cách duy nhất để thực thi một bản án, quyết định, mà đương sự vẫn có quyền tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án, ngay cả khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Theo quan điểm tác giả, thời hiệu yêu cầu thi hành án chỉ hạn chế quyền của đương sự trong việc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà không làm cho đương sự mất đi quyền và nghĩa vụ đã được ghi nhận trong phán quyết đó. Vì vậy, khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì người được thi hành án vẫn có quyền yêu cầu người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ được ghi nhận trong bản án, quyết định của Tòa; người phải thi hành án vẫn được quyền tự nguyện thi hành án; các bên vẫn được quyền thỏa thuận với nhau về việc thi hành án.
Mặc dù vậy, trường hợp một trong các bên không phối hợp thì phán quyết của Tòa cũng không được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Cơ quan thi hành án dân sự. Khi đó, tùy từng trường hợp, người được thi hành án có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật.
Luật sư Phan Công Tiến
Công ty luật TNHH SMiC