1. Mức xử phạt đối với hành vi gian lận, trục lợi BHXH, BHYT?
Các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT đã được quy định cụ thể trong Điều 17 Luật BHXH số 58/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 (thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11) và trong Điều 11 Luật BHYT số 25/2008/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009 (được sửa đổi, bổ sung trong Luật số 46/2014/QH13).
Căn cứ vào tính chất của hành vi có thể chia những hành vi gian lận, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHYT thành 03 nhóm chính:
– Nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT;
– Nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHTN, BHYT;
– Nhóm hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động quản lý và thực hiện BHXH, BHTN, BHYT.
Luật BHXH, BHXH đã xác định các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT và quy định những chế tài xử lý hành chính đối với những hành vi vi phạm này, cụ thể:
• Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH đang bị xử lý theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội và Khoản 19, Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP. Mức xử phạt tối đa cho các hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội tối đa là 75.000.000 đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả;
• Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT đang bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức xử phạt tối đa là 30.000.000 đồng thời áp dung các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với hành vi vi phạm.
– Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Một vấn đề nổi cộm vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT là tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT ngày càng gia tăng, với số tiền lớn, xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Nghiêm trọng có nhiều đơn vị nợ đóng bảo hiểm cho người lao động trong thời gian dài, có trường hợp doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, có hàng trăm nghìn lao động không được hưởng các chế độ BHXH, BHYT kịp thời.
– Việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHYT có tính chất phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người tham gia bảo hiểm mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng lớn đến chính sách thu hút đầu tư để phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.
– Trong hệ thống pháp luật hiện hành, luật chuyên ngành chỉ quy định các hành vi bị cấm và quy định biện pháp chế tài có thể được áp dụng để xử lý (trong đó, có biện pháp chế tài hình sự), tội phạm và hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể của Bộ luật Hình sự 1999.
– Theo đó, Luật BHXH, Luật BHYT đã quy định các hành vi bị cấm và có thể bị áp dụng biện pháp chế tài hình sự khi hành vi có tính nguy hiểm của tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế không phải hành vi nào có tính nguy hiểm cho xã hội được Luật BHXH, Luật BHYT quy định cho phép xử lý hình sự cũng có thể viện dẫn các điều luật đã có trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (số 15/1999/QH10) để xử lý do không có tội danh tương ứng.
2. Mức xử phạt nêu trên có phù hợp không và có nên hình sự hóa hành vi gian lận, trục lợi về BHXH, BHYT không?
Trả lời:
Cần thiết phải hình sự hóa hành vi gian lận, trục lợi về BHXH và BHYT bởi những lý do sau:
1. Thiếu Điều luật quy định cụ thể tội danh về vi phạm BHXH, BHYT:
– Căn cứ vào các điều luật thuộc Phần Các tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1999, chỉ có nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN; nhóm hành vi vi phạm khác liên quan đến quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, BHTN có thể được xử lý được về hình sự khi hành vi có tính nguy hiểm của tội phạm theo các tội danh chung đã có trong Bộ Luật Hình sự như Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các tội danh khác trong Chương Các tội phạm về chức vụ.
– Tuy nhiên, việc viện dẫn các điều luật chung này khi xử lý hình sự cũng không thật sự phù hợp xét về tội danh và về khung hình phạt; đồng thời, cũng chưa đảm bảo yêu cầu phân hóa trách nhiệm hình sự. Riêng đối với nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN, do không có tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự nên hiện vẫn chưa thể xử lý hình sự được.
2. Cần hình sự hóa các hành vi gian lận, trục lợi BHXH, BHYT
– Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016, đã bổ sung 03 điều luật quy định tội danh riêng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH: Điều 214 quy định về Tội gian lận BHXH, BHTN; Điều 215 quy định về Tội gian lận BHYT và Điều 216 quy định về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
– Việc tội phạm hóa hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN và quy định tách riêng hai tội danh; Tội gian lận BHXH, BHTN, Tội gian lận BHYT trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khắc phục được khoảng trống trong xử lý nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN và khắc phục đáng kể hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999 khi quy định tội danh riêng để xử lý đối với nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.
– Điều này đã làm tăng tính tương hỗ của Bộ luật Hình sự trong việc tạo cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội mà các luật chuyên ngành trong lĩnh vực BHXH đã cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Việc bổ sung những tội danh riêng cho lĩnh vực BHXH là rất phù hợp với yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi mà ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT còn chưa cao, dẫn đến tình trạng chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ đóng hoặc cố tình trục lợi từ các quỹ BHXH, BHYT, BHTN.
– Tóm lại, theo tôi thì chủ trương hình sự hóa một số vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT như trong Bộ luật hình sự 2015 là rất đúng, rất kịp thời. Đây sẽ là liều thuốc đủ mạnh để trị các vi phạm về bảo hiểm hiện nay.
Phân tích sơ bộ 3 điều khoản trong Bộ luật hình sự 2015:
1. Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN (Điều 216 Bộ luật Hình sự)
– Việc Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung tội danh trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT không những thể hiện quan điểm của cơ quan lập pháp về việc cần phải bảo vệ lĩnh vực BHXH, BHYT bằng pháp luật hình sự, mà còn cho thấy quan điểm lập pháp hình sự Việt Nam đang tiệm cận tới quan điểm quốc tế đối với việc bảo vệ lĩnh vực BHXH, BHYT trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay.
– Việc bổ sung tội danh này cho phép xử lý những hành vi không đóng, không đóng đầy đủ số người, số tiền hoặc không đóng đúng thời gian quy định mà trước đây chưa xử lý được do không có tội danh tương ứng để áp dụng. Quy định bổ sung Điều 216 Bộ luật Hình sự tạo cơ sở pháp lý để xử lý đối với cá nhân người sử dụng lao động; cho phép xử lý đối với pháp nhân thương mại cố tình trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm gây thiệt hại về quyền lợi cho người lao động. Việc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi cố tình trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN của cá nhân và pháp nhân thương mại sẽ góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách BHXH, BHYT của Nhà nước.
“Điều 216. Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
2. Tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214 Bộ luật Hình sự) và Tội gian lận BHYT (Điều 215 Bộ luật Hình sự)
– Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 02 tội danh riêng để xử lý các hành vi gian lận BHXH, BHTN và hành vi gian lận BHYT. Việc quy định 02 tội danh này đã tạo nên sự thống nhất trong việc xử lý đối với nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHTN và BHYT. Bên cạnh đó, nếu áp dụng theo Bộ luật Hình sự năm 1999, một số dạng hành vi trước đây phải vận dụng chế định đồng phạm để xác định trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nay được quy định là hành vi khách quan của tội gian lận BHXH, BHTN và tội gian lận BHYT.
– Bên cạnh đó, những hành vi gian lận đơn lẻ, thỏa mãn dấu hiệu định tội sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt được xác định trong khung cơ bản, hành vi của một nhóm người cùng nhau tổ chức gian lận BHXH, BHYT (phạm tội có tổ chức) được quy định thành một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự trong Điểm a Khoản 2 Điều 214 và Điều 215 Bộ luật Hình sự. Như vậy, có thể thấy, hai điều luật này về cơ bản đã có thể xử lý được đối với nhóm các hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.
“Điều 214. Tội gian lận BHXH, BHTN
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BHTN lừa dối cơ quan BHXH;
b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 215. Tội gian lận BHYT
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám, chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền BHYT từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền BHYT 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”