Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 (“Luật Bảo hiểm xã hội 2014”), thay thế Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, có một số nội dung thay đổi cơ bản như sau:
1. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội bắt buộc bổ sung thêm một số đối tượng mới: Cán bộ xã không chuyên trách (thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất) thực hiện từ năm 2016; Người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (không nhất thiết đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi đi); Người lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 đến 03 tháng (từ năm 2018); Lao động là người nước ngoài (từ năm 2018).
Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được thay đổi, không khống chế tuổi trần tham gia (trước đây hạn chế chỉ trong độ tuổi lao động); hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bỏ quy định: mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội “không thấp hơn mức lương tối thiểu chung” trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006); đa dạng các phương thức đóng.
2. Qui định cụ thể, chặt chẽ về cơ cấu tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
Đối với người đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm tiền lương và phụ cấp lương; từ 01/01/2018, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Quy định này vừa đảm bảo phù hợp với pháp luật lao động, vừa đảm bảo mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tương xứng với mức thu nhập, giảm tình trạng khai thấp mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, gây thất thu ngân sách.
3. Bổ sung thêm quy định cụ thể về các chế độ bảo hiểm xã hội có lợi cho người tham gia bảo hiểm
Chế độ thai sản: Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bổ sung thêm chế độ lao động nam được hưởng chế độ thai sản, nghỉ việc khi vợ sinh con; quy định trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội. Đối với lao động nữ khó mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ muốn được nhận chế độ thai sản chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thay vì 6 tháng như quy định trước đó. Luật mới cũng bổ sung chế độ thai sản cho lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
Có thêm chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung: là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Với hình thức này, quỹ được tạo lập từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, khuyến khích người lao động có thu nhập cao và người sử dụng đóng góp để người lao động có mức lương hưu cao hơn khi nghỉ hưu, đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Chế độ ốm đau: thay đổi cách tính trợ cấp ốm đau một ngày bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng chia cho 24 ngày (làm việc), trước là chia cho 26. Việc tính bình quân 24 ngày làm việc trong một tháng vừa phù hợp hơn, cả với người lao động làm việc 5 ngày/tuần, cả với người làm việc 6 ngày/tuần, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trên đây là những nội dung mới đáng chú ý của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về văn bản này, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: info@smic.org.vn.