MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG, ĐIỀU KIỆN VÀ GIẤY PHÉP THÀNH LẬP, HOẠT ĐỘNG CƠ SỞ ĐÀO TẠO LÁI XE Ô TÔ

1. Cơ sở pháp lý

  • Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014;
  • Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (“Nghị định 65”);
  • Nghị định 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện doanh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (“Nghị định 138”);Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (“Nghị định 143”);
  • Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (“Nghị định 140”).

2. Mô hình hoạt động của Cơ sở đào tạo lái xe ô tô

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 65 quy định: “Cơ sở đào tạo lái xe ô tô là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo nghề lái xe ô tô”.

Khoản 2 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định:

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình sau đây:

a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

c) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, cơ sở đào tạo lái xe ô tô hoạt động theo mô hình tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp với một cơ cấu tổ chức độc lập dưới sự quản lý trực tiếp của tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở đào tạo lái xe ô tô.[1]

Về mặt thực tế theo thông tin thu thập từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, các trung tâm đào tạo lái xe thường hoạt động dưới loại hình pháp lý là chi nhánh, địa điểm kinh doanh của công ty.

3. Điều kiện và Giấy phép thành lập, hoạt động trung tâm đào tạo lái xe

  • Điều kiện chung

Như phân tích tại Mục 2 nêu trên, cơ sở đào tạo xe ô tô là cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật.

=> Như vậy, để thành lập cơ sở đào tạo lái xe ô tô thì cần đáp ứng các điều kiện chung để thành lập và cho phép hoạt động đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các điều kiện riêng để được cấp Giấy phép đào tạo lái xe ô tô theo quy định tại Nghị định 65. Cụ thể, một cơ sở đào tạo lái xe cần phải xin cấp các quyết định, giấy phép hoạt động sau đây:

  • Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
  • Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
  • Giấy phép đào tạo lái xe ô tô.

Quy định về điều kiện, hồ sơ, thẩm quyền, trình tự thủ tục xin cấp các quyết định, giấy phép hoạt động nêu trên được nêu cụ thể sau đây.

  • Quy định về việc thành lập và đăng ký hoạt động đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp
    • Thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp
  • Điều kiện: theo quy định tại Điều 18 Luật Giáo dục nghề nghiệp, Điều 3 Nghị định 143, Điều 5 và 6 Nghị định 140. Cụ thể như sau:
  • Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam;
  • Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo diện tích đất sử dụng tối thiểu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1000 m2;
  • Vốn đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, cụ thể: Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp tối thiểu là 05 tỷ đồng;
  • Đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 14 Nghị định 143 (dự kiến về cơ cấu tổ chức; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý).
  • Hồ sơ thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp: theo quy định tại Điều 6 Nghị định 143 và Điều 5 Nghị định 140. Cụ thể như sau:
  • Văn bản đề nghị cho phép thành lập của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 143;
  • Đề án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 143;
  • Dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng các công trình kiến trúc xây dựng, bảo đảm phù hợp với ngành, nghề, quy mô, trình độ đào tạo và tiêu chuẩn diện tích sử dụng, diện tích xây dựng cho hoạt động học tập và giảng dạ;
  • Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định của pháp luật và các giấy tờ pháp lý liên quan còn thời hạn ít nhất là 05 năm kể từ ngày gửi hồ sơ;
  • Văn bản xác nhận khả năng tài chính để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
  • Thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định 143.
  • Trình tự, thủ tục cho phép thành lập: Điều 8 Nghị định 143.
  • Kết quả nhận được: Quyết định cho phép thành lập.
    • Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
  • Điều kiện: Điều 19 Luật giáo dục nghề nghiệp quy định về điều kiện được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp như sau:
  • Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập;
  • Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo theo cam kết;
  • Có đủ chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định;
  • Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;
  • Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
  • Có điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động.

Chi tiết về điều kiện được quy định tại Điều 14 Nghị định 143.

  • Hồ sơ đăng ký: theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 143, cụ thể như sau:
  • Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 143;
  • Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục Va ban hành kèm theo Nghị định 143 và kèm theo các giấy tờ chứng minh.
  • Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Sở lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định 143.
  • Trình tự, thủ tục đăng ký: Điều 17 Nghị định 143.
  • Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
    • Quy định về điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép đào tạo lái xe ô tô

Khoản 1 Điều 13 Nghị định 65 quy định về điều kiện cấp Giấy phép đào tạo lái xe ô tô như sau: Giấy phép đào tạo lái xe ô tô được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cơ sở đào tạo lái xe ô tô đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 5 (điều kiện chung của cơ sở đào tạo lái xe ô tô), Điều 6 (điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật) và Điều 7 (điều kiện về giao viên dạy lái xe) của Nghị định 65.

  • Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật
  • Hệ thống phòng học chuyên môn:
  • Bao gồm các phòng học lý thuyết và phòng học thực hành, bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với quy mô đào tạo theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
  • Cơ sở đào tạo lái xe ô tô với lưu lượng 500 học viên trở lên phải có ít nhất 02 phòng học Pháp luật giao thông đường bộ và 02 phòng học Kỹ thuật lái xe; với lưu lượng 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 03 phòng học Pháp luật giao thông đường bộ và 03 phòng học Kỹ thuật lái xe;
  • Phòng học Pháp luật giao thông đường bộ: Có thiết bị nghe nhìn (màn hình, máy chiếu), tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa hình;
  • Phòng học Cấu tạo và sửa chữa thông thường: Có mô hình cắt bỏđộng cơ, hệ thống truyền lực; mô hình hệ thống điện; hình hoặc tranh vẽ sơ đồ mô tả cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái;
  • Phòng học Kỹ thuật lái xe: Có phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy (băng đĩa, đèn chiếu…); có hình hoặc tranh vẽ mô tả các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng lái…); có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng (có thể bố trí ở nơi riêng biệt); có thiết bị mô phòng để đào tạo lái xe;
  • Phòng học Nghiệp vụ vận tải: Có hệ thống bảng, biểu phục vụ giảng dạy nghiệp vụ chuyên môn về vận tải hàng hóa, hành khách; có các tranh vẽ ký hiệu trên kiện hàng;
  • Phòng học Thực tập bảo dưỡng sửa chữa: Có hệ thống thông gió và chiếu sáng, bảo đảm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động; nền nhà không rạn nứt, không trơn trượt; có trang bị đồ nghề chuyên dùng để bảo dưỡng sửa chữa; có tổng thành động cơ hoạt động tốt, hệ thống truyền động, hệ thống lái, hệ thống điện; có bàn tháo lắp, bảng, bàn ghế cho giảng dạy, thực tập.
  • Xe tập lái:
  • Có xe tập lái các hạng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái;
  • Thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe. Có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 01 năm trở lên với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E; xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1, B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng;
  • Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo.
  • Sân tập lái xe:
  • Thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe;
  • Cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 02 sân tập lái xe theo quy định;
  • Sân tập lái xe ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo; kích thước các hình tập lái phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với từng hạng xe tương ứng;
  • Mặt sân có cao độ và hệ thống thoát nước bảo đảm không bị ngập nước; bề mặt các làn đường và hình tập lái được thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường; hình các bài tập lái xe ô tô phải được bó vỉa;
  • Có nhà chờ, có ghế ngồi cho học viên học thực hành;
  • Diện tích tối thiểu của sân tập lái: Hạng B1và B2 là 8.000 m2; hạng B1, B2 và C là 10.000 m2; hạng B1, B2, C, D, E và F là 14.000 m2.
    • Điều kiện về giáo viên dạy lái xe
  • Điều kiện chung:
  • Có đội ngũ giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp quy định tại khoản 4 Điều 53 Luật giáo dục nghề nghiệp;
  • Đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ sư phạm theo quy định;
  • Số lượng giáo viên cơ hữu phải đảm bảo 50% trên tổng số giáo viên của cơ sở đào tạo.
  • Điều kiện giáo viên dạy lý thuyết:
  • Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên;
  • Trình độ A về tin học trở lên;
  • Giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.
  • Điều kiện giáo viên dạy thực hành:
  • Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp;
  • Giáo viên dạy lái xe ô tô phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2;
  • Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày được cấp; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên, kể từ ngày được cấp;
  • Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.
    • Hồ sơ, thủ tục và trình tự cấp Giấy phép đào tạo lái xe ô tô
  • Thẩm quyền cấp giấy phép: Sở Giao thông vận tải.
  • Hồ sơ:
  • Văn bản kèm báo cáo đề nghị cấp giấy phép đào tạo lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục X kèm theo Nghị định 65;
  • Quyết định thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cơ quan có thẩm quyền (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);
  • Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực);
  • Giấy đăng ký xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).
  • Trình tự thực hiện:
  • Sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư phương tiện, trang thiết bị dạy lái xe theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe ô tô; tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Nghị định 65;
  • Trường hợp hồ sơ chưa đủ theo quy định, trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân;
  • Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp tổ chức kiểm tra thực tế cơ sở đào tạo, lập biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục XI kèm theo Nghị định 65 và cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô cho cơ sở đủ điều kiện. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp là trung tâm giáo dục nghề nghiệp

  • Khoản 2 Điều 10 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định như sau: Cơ cấu tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục bao gồm:
    1. Giám đốc, phó giám đốc;
    2. Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;
    3. Các tổ bộ môn;
    4. Các hội đồng tư vấn;
    5. Các đơn vị phục vụ đào tạo; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).
  • Điều 13 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định về Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp như sau:

1. Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp là người đứng đầu trung tâm, đại diện cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Nhiệm kỳ của giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 05 năm.

2. Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có phẩm chất, đạo đức tốt;

b) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;

c) Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp;

d) Có đủ sức khỏe.

3. Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành các quy chế, quy định trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

b) Quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp; bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức các chức danh trưởng, phó các tổ chức của trung tâm;

c) Xây dựng quy hoạch và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; quyết định cơ cấu, số lượng người làm việc và quyết định trả lương theo hiệu quả, chất lượng công việc; tuyển dụng viên chức, người lao động theo nhu cầu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp; ký kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng viên chức, người lao động và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phối hợp với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo nghề nghiệp; tổ chức hướng nghiệp cho học sinh phổ thông;

đ) Quản lý cơ sở vật chất, tài sản, tài chính và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động được để phục vụ cho hoạt động đào tạo của trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật;

g) Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

h) Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn với cơ quan quản lý trực tiếp;

i) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

4. Thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận, miễn nhiệm, cách chức giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

a) Người có thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận, không công nhận giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn theo đề nghị của những người góp vốn thành lập trung tâm hoặc tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục.

5. Thủ tục bổ nhiệm, công nhận, miễn nhiệm, cách chức giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp được quy định trong Điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp”.

_____________________________________

Ghi chú:

[1] Khoản 2 Điều 10 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định: 2. Cơ cấu tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục bao gồm:

a) Giám đốc, phó giám đốc;

b) Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Các tổ bộ môn;

d) Các hội đồng tư vấn;

đ) Các đơn vị phục vụ đào tạo; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).