Để có thương vụ M&A; thành công: Luôn luôn lưu ý tới 5 điểm lớn
Dù không có công thức chung cho việc tiến hành các vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A;), nhưng doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị các điều kiện, tuân thủ các cách làm đúng hướng để hoàn tất một thương vụ M&A; thành công.
Lựa chọn phương thức M&A;
Về lý thuyết, có 4 phương thức cơ bản để tiến hành M&A;, đó là sáp nhập; hợp nhất 2 hay nhiều công ty với nhau; mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần của một công ty và mua lại một phần hoặc toàn bộ tài sản của một công ty.
Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, không có một công thức chung nào cho các thương vụ M&A.; Điều này càng đúng hơn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện tại, với hệ thống các doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều tầng nấc, đa dạng về loại hình, quy mô và hình thức sở hữu.
Để lựa chọn phương thức M&A; phù hợp, các DN tham gia cần xem xét nhiều yếu tố, như mục tiêu chiến lược và tiềm lực tài chính của DN chiếm hữu; loại hình, quy mô, lĩnh vực hoạt động của DN mục tiêu; triển vọng của thị trường; môi trường kinh doanh hiện tại, các rào cản và rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thương vụ M&A…;
Chẳng hạn, nếu DN mục tiêu có quy mô nhỏ và vừa, thì DN chiếm hữu có thể mua lại toàn bộ cổ phần hoặc tài sản hiện có của DN mục tiêu. Đây là phương thức M&A; thường gặp ở các thị trường mới nổi, tính minh bạch còn chưa cao.
Ngược lại, nếu DN mục tiêu có quy mô lớn thì DN chiếm hữu có thể thực hiện chiến thuật thâm nhập từng phần thông qua việc trở thành cổ đông hoặc đối tác chiến lược. Đây là phương thức mà các tập đoàn nước ngoài thường áp dụng đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam. Điều này còn phản ánh sự thận trọng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường M&A; Việt Nam, một thị trường tiềm năng, nhưng cũng còn không ít rủi ro.
Kinh nghiệm để thành công
Để thực hiện thành công một thương vụ M&A;, các DN tham gia cần lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, cần lựa chọn DN mục tiêu phù hợp để tiến hành M&A.; Sự phù hợp không chỉ về quy mô, lĩnh vực hoạt động, mà còn bao gồm cả sự tương đồng về văn hoá, cấu trúc quản lý, nhân sự… Có như vậy, các bên mới tìm được tiếng nói chung khi tiến hành M&A; cũng như đem lại sự thành công cho DN thời kỳ hậu M&A.;
Thứ hai, xác định đúng mục đích của M&A.; Không ít trường hợp các bên tham gia M&A; với những mục tiêu rất cụ thể như mở rộng thị trường trong ngắn hạn, thôn tính đối thủ hoặc dự án đầu tư… Đó là những cái nhìn chưa đúng về M&A.; Nên nhớ rằng, M&A; không phải hướng tới một đích nhắm cụ thể nào, mà là công cụ để giúp các DN đạt được những mục tiêu phát triển kinh doanh của mình. Do vậy, bất cứ thương vụ M&A; nào cũng phải gắn với những mục tiêu phát triển dài hạn của DN.
Thứ ba, xác định đúng giá trị của DN mục tiêu. Giá trị của DN không chỉ phản ánh qua bảng cân đối tài sản, mà còn bao gồm những giá trị tiềm năng như đội ngũ nhân sự, hay thương hiệu… Việc xác định đúng giá trị tiềm năng sẽ cho thấy cái giá của thương vụ M&A; là đắt hay rẻ, có thành công hay không về mặt tài chính.
Thứ tư, nhận diện các rào cản và rủi ro tiềm ẩn. Mỗi thương vụ M&A; đều có những rủi ro tiềm ẩn cả về tài chính, thương mại, pháp lý lẫn thị trường. Do vậy, các DN tham gia cần nhận diện những rủi ro mà DN có thể gặp phải trong quá trình đàm phán, thực hiện và trong giai đoạn hậu M&A;, từ đó có phương án phòng ngừa và xử lý.
Thứ năm, cần hoạch định một chiến lược kỹ lưỡng cho thương vụ M&A;, trong đó đề ra phương thức, lộ trình và phân công nhân sự thực hiện một cách rõ ràng. Sau khi được phê duyệt, thì các DN tham gia phải tổ chức triển khai thực hiện có bài bản và tuân thủ đúng chiến lược đã hoạch định.
Lê Đình Vinh, Tiến sỹ luật học, PTGĐ Công ty Luật SMiC.
(Theo Báo Đầu Tư).