SMiC – Theo truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Ban lãnh đạo cùng tập thể Công ty Luật SMiC đã tổ chức viếng thăm Nghĩa trang Trường Sơn và Ngã ba Đồng Lộc nhân dịp Ông Trịnh Văn Quyết – Giám đốc Công ty nhận giải Doanh nhân Văn hoá 2009.
Chiếc xe ca chở gần 40 người trong đoàn chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Trường Sơn vào một ngày hè cuối tháng năm nóng nực nhưng đầy ký ức. Chiếc xe của chúng tôi dừng ngay phía dưới khu nhà tưởng niệm. Mọi người trong đoàn xuống xe, tay cầm nén nhang thơm trang trọng tiến vào khu mộ của nghĩa trang – nơi mà từ lâu chúng tôi vẫn hằng ước ao được một lần về thăm. Trong không khí vô cùng trang nghiêm, cả đoàn chúng tôi tiến hành dâng hoa và thắp nhang để tưởng niệm công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cả tuổi thanh xuân và xương máu để bảo vệ Tổ Quốc.
(Ban lãnh đạo cùng một số CBCNV SMiC thắp hương trước Đài tưởng niệm tại Nghĩa trang Trường Sơn)
Qua lời giới thiệu của người quản trang, được biết nghĩa trang có 10.263 phần mộ, được chia thành 10 khu vực theo địa phương và một khu dành cho 68 liệt sĩ khuyết danh. Diện tích toàn bộ nghĩa trang nằm trên 3 quả đồi, xen trong những khu rừng với tổng diện tích 140.000 m2. Bởi vậy trong chuyến thăm lần này, chúng tôi mới chỉ đi thăm và thắp hương được một phần rất nhỏ các phần mộ của các liệt sĩ.
(Khu mộ tại Nghĩa trang Trường Sơn)
Sau khi dâng hương trước đài tưởng niệm, mỗi người chúng tôi chia nhau đi thăm và thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ. Phía trước mặt chúng tôi là hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, thẳng hàng trải dài trên đồi núi mênh mông. Nhìn từ xa, nghĩa trang Trường Sơn trông giống như tấm thảm trắng ngời in trên đồi nóng bỏng vì vậy nó thường hay được mọi người ví von như “hoa nắng Trường Sơn”.
Chúng tôi mỗi người mỗi tỉnh, người viếng thăm khu mộ của các liệt sĩ tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, người dâng hương các liệt sĩ tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hà Tây v.v…Ai nấy trong chúng tôi đều bồi hồi xúc động, mắt ai cũng rơm rớm. Chúng tôi vô cùng khâm phục sự hy sinh cao cả của các anh và thầm cảm ơn các anh đã cho thế hệ đàn em chúng tôi một cuộc sống yên bình và hạnh phúc như ngày nay.
(SMiC lần lượt đi thăm và dâng hương các liệt sĩ)
Rời Nghĩa trang Trường Sơn, trên đường trở về chúng tôi tiếp tục ghé thăm Ngã ba Đồng Lộc để thắp hương tưởng nhớ, tri ân 10 nữ anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng bầu máu nóng của tuổi thanh xuân để làm nên huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc, góp phần tô thắm truyền thống hào hùng và tinh thần xung kích, tiên phong của tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
(SMiC thắp hương tại Ngã ba Đồng Lộc)
Ngã ba Đồng Lộc năm xưa nằm trên trục đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên qua dãy núi Trường Sơn thuộc địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tại ngã ba huyết mạch Bắc – Nam này, họ đã chung chiến hào khốc liệt trong những thời khắc lấp hố bom của Mỹ dội xuống để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến miền Nam. Để rồi, họ cùng nằm lại trong lòng đất đớn đau vào một buổi chiều nghiệt ngã, lúc 16 giờ 30, ngày 24/7/1968 và trở thành bất hủ, chung một danh xưng: Mười cô gái Đồng Lộc.
Nếu cách đây vài tiếng chúng tôi viếng thăm hơn 10 nghìn liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị, một trong những nghĩa trang liệt sĩ có số lượng hài cốt lớn nhất thế giới… thì bây giờ về Đồng Lộc tâm trạng thật khác lạ. Nơi đây chỉ có 10 liệt sĩ và tất cả đều là những người con gái trẻ, chưa một lần yêu nên “thương lắm và thiêng lắm”. Thân xác trinh nguyên của các cô đã tan vào đất nhưng anh linh thì như còn quanh quất trong những sợi khói hương trầm mặc…
Sau một ngày viếng thăm Nghĩa trang Trường Sơn và Ngã ba Đồng Lộc – những dấu tích lịch sử đầy thiêng liêng, trên đường trở về, chúng tôi ai nấy đều mệt rã rời do cái nắng thiêu đốt của Trường Sơn, Đồng Lộc và phải đi bộ nhiều để qua các phần mộ, nhưng trong những câu chuyện của chúng tôi lại tràn ngập niềm vui sau một chuyến đi thực sự mang lại nhiều ý nghĩa. Chuyến đi này không chỉ là dịp cho chúng tôi được đến thăm nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà đây còn là dịp nhắc nhở chúng tôi biết rằng cuộc sống mà ngày nay chúng tôi được hưởng đã phải trải qua một quá trình dựng nước và giữ nước, mà bên cạnh đó là sự hy sinh đầy oanh liệt của những anh hùng trên mọi miền đất nước- những người đã không tiếc tuổi thanh xuân, không tiếc máu xương của mình để cống hiến cho Tổ Quốc.
Trước khi Đoàn khởi hành lên Trường Sơn, anh bạn đồng nghiệp của tôi đã đọc câu thơ “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”. Vâng, bây giờ thì chúng tôi đã hiểu phần nào ý nghĩa câu thơ đó. Vì sự nghiệp GTVT, nối liền mạch máu giao thông, bao lớp người đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập và tự do của tổ quốc. Chúng tôi- những thế hệ đàn em quyết đem tất cả tinh thần, trí tuệ và tuổi trẻ của mình để cống hiến cho sự phồn vinh, lớn mạnh của đất nước để không phụ công lao to lớn của các thế hệ đàn anh đi trước.
(Theo SMiC)